Zing.vn - "SARS giờ đây chỉ còn là ký ức và Covid-19 cũng sẽ như thế, Việt Nam nhất định vượt qua dịch bệnh này”, nguyên Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến khẳng định.

"Hiện tại, các chỉ đạo của Chính phủ với ngành y tế đều rất đúng hướng", PGS.TS Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Y tế, nói với Zing.vn về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Bà Chiến từng lãnh đạo ngành y tế vượt qua đại dịch SARS năm 2003, đã chia sẻ kinh nghiệm mà mình và đồng nghiệp từng trải qua. Sau 17 năm, những ký ức của nguyên Bộ trưởng Y tế về 45 ngày chống lại đại dịch SARS ở Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.

Nguyên Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến. Ảnh: Duy Anh.

Trận chiến chống SARS: Khó khăn, đau thương nhưng tự hào

“Khó khăn, đau thương nhưng tự hào”, nguyên Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến mở đầu câu chuyện về "đánh bại" dịch SARS, tại văn phòng làm việc của bà.

Bà nhớ lại cuối tháng 2/2003, Johnny Cheng - thương nhân người Mỹ gốc Hong Kong (Trung Quốc) - nhập Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) với triệu chứng giống cúm, sốt, ho nhiều và khó thở.

Khi bệnh tình của bệnh nhân nặng, gia đình đưa ông về nước. Buổi sáng đầu tiên của tháng 3, một số y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp xuất hiện triệu chứng giống Johnny Cheng. SARS - vị khách không mời đã đến.

Đang công tác tại miền Nam, Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến bất ngờ nhận được cuộc gọi từ bác sĩ Carlo Urbani - đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

“Đề nghị bà bộ trưởng mời ngay chuyên gia của WHO vào để hỗ trợ chúng ta”, bác sĩ người Italy nói với bà Chiến sau khi báo cáo về loại virus mà ông chưa phân lập được, chỉ biết nó có độc tính cao, lây lan nhanh qua đường hô hấp.

Ngay lúc đó, bà Chiến đồng ý mời chuyên gia từ WHO, CDC Mỹ cùng các bác sĩ uy tín nước ngoài vào Việt Nam. Cúp máy, bà ngay lập tức cho soạn thảo quyết định thành lập Ban đặc nhiệm phòng chống dịch khẩn cấp.

Bà kể lúc đó, không ít người nghi ngờ quyết định của tân bộ trưởng (bà Chiến giữ chức từ tháng 7/2002).

“Tình hình sắp nguy cấp rồi, tôi không sợ và sẵn sàng chịu trách nhiệm”, bà trả lời.

Các nhân viên y tế nhanh chóng lập bản đồ chấm dịch, khoanh vùng những điểm doanh nhân Johnny Cheng đi qua; theo dõi nhiệt độ, cách ly người có giao tiếp với ông ở khách sạn.

Bộ Y tế báo cáo Chính phủ, khẩn cấp thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch.

Bộ Y tế cũng làm việc với Bộ Quốc phòng, đề nghị Cục Quân y hỗ trợ xây bệnh viện dã chiến, điều trực thăng để vận chuyển thầy thuốc, trang thiết bị y tế, thuốc men trong trường hợp dịch bùng phát diện rộng.

Trong ký ức của bà Chiến, 17 năm trước, Việt Nam đã phản ứng nhanh từ ngày đầu, trở thành nước đầu tiên khống chế được đại dịch SARS - cơn ác mộng của toàn thế giới lúc bấy giờ. Ảnh: Duy Anh.

Để thuyết phục lưu học sinh, công dân Việt Nam từ vùng tâm dịch trở về, nữ bộ trưởng đến sân bay Nội Bài, tháo chiếc khẩu trang và nói: "Tôi chỉ mong muốn bà con đồng lòng với Chính phủ. Chỉ có Nhà nước và nhân dân đồng lòng mới có thể cùng nhau đẩy lùi được dịch bệnh. Hãy tin tôi!”.

Sau lời thuyết phục của bà, hơn 300 người đồng ý vào khu cách ly sau nhiều giờ phản đối.

Ngày 12/3, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp của dịch SARS trên toàn cầu. Chưa bao giờ con đường xung quanh Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) vắng vẻ đến thế. Hàng quán đóng cửa, các con đường xung quanh vắng lặng. Người ta tránh xa Bệnh viện Việt Pháp vì toàn bộ nhân viên bệnh viện phải tự cách ly, không ai được về nhà.

“Phải tận mắt chứng kiến đồng đội, đồng nghiệp của mình nằm xuống, nó như vết dao cứa vào tận tâm can của chúng tôi"

Hơn một nửa bệnh nhân SARS thời điểm đó là nhân viên y tế. Số người nhập viện ngày càng tăng, nhiều người phải thở máy liên tục. Ngày 15/3, y tá Lượng - bệnh nhân đầu tiên ở nước ta tử vong vì SARS. Con số không dừng lại ở đó. Bốn bác sĩ, hai điều dưỡng đã ra đi.

Ngày bệnh nhân cuối cùng tử vong, tất cả bác sĩ điều trị bàng hoàng. “Chứng kiến đồng đội, đồng nghiệp của mình nằm xuống, nó như vết dao cứa vào tận tâm can của chúng tôi. Chúng ta biết rõ căn bệnh nguy hiểm như thế nào. Chúng ta dùng mọi biện pháp ngăn chặn, cách ly kịp thời và đẩy lùi SARS. Nhưng sau tất cả, chúng tôi không bảo vệ được đồng nghiệp của mình. Đó là điều tôi không bao giờ quên được suốt mười mấy năm qua”, nguyên bộ trưởng nghẹn ngào.

Bà nhớ lại sau mỗi cuộc họp, từng lặng lẽ đứng ở hành lang Bộ Y tế, nhìn các y bác sĩ mà không cầm nổi nước mắt. Bà biết ơn, kính trọng những đồng nghiệp chấp nhận dấn thân vào nguy hiểm để chống lại đại dịch.

Việt Nam đã chống dịch từ khi chưa xác định virus gây bệnh

Trong những ngày chống dịch, Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến không chỉ tham gia họp, chỉ đạo, nắm bắt tình hình, mà còn đến tận các bệnh viện, thăm hỏi bệnh nhân, bác sĩ.

Khi bệnh nhân SARS đầu tiên tại Bệnh viện Bạch Mai được xuất viện, bà Chiến nhận được tin báo, nhanh chóng rời cuộc họp, đến chia vui cùng gia đình.

Biết bộ trưởng có ý định xuống tận nơi tiễn bệnh nhân xuất viện, một số người can ngăn.

“Tôi phải đi chúc mừng bệnh nhân và bà con yên tâm người khỏi bệnh có thể sinh hoạt bình thường, người xung quanh không ái ngại họ. Tôi đến đó cũng để tuyên bố với cả thế giới rằng Việt Nam đã điều trị thành công cho người nhiễm SARS”, nguyên Bộ trưởng Y tế nhớ lại.

Tại bệnh viện, bà Chiến tháo chiếc khẩu trang đang đeo để bắt tay, trò chuyện và chụp ảnh cùng người bệnh.

Người phụ nữ 74 tuổi tâm sự sau thời gian làm việc liên tục, bà bị cảm sốt nhiều ngày.

“Tôi không cảm thấy sợ gì đâu, thậm chí có những lúc sốt, ho liên tục. Tôi từng nếm trải nhiều sự nguy hiểm, thậm chí là thời điểm cận kề sinh tử. Chắc nhờ vậy mà sức đề kháng của tôi rất mạnh, không dễ dàng nhiễm bệnh như vậy được”, bà Chiến cười khi nhắc về câu chuyện cũ.

Bà thừa nhận lúc đó nhiều y bác sĩ quá bận để lo nghĩ cho an nguy của bản thân. Việt Nam chống dịch từ khi còn chưa xác định virus gây bệnh viêm phổi là SARS; từ khi WHO chưa có hướng dẫn cụ thể. Bà cùng đội ngũ y bác sĩ vừa điều trị vừa theo dõi tình hình bệnh nhân để lên phác đồ, nắm virus lây qua đường nào thì chặn đường đó.

"Trong những trận dịch nguy hiểm, người ta thấy bệnh thì phải cố chạy thật xa. Chỉ có nhân viên y tế là người gánh trọng trách xông vào mặt trận"

“Nhiều anh em hỏi tôi, nếu từ đây đến ngày công bố hết dịch, chúng ta phát hiện thêm ca mới, thì phải làm thế nào? Tôi chỉ đạo cứ thực hiện theo kế hoạch họp báo. Nếu có ca bệnh mới, mọi việc tiếp tục và chúng ta cùng chung tay chống dịch”, bà kể.

Rất may, cuộc họp báo diễn ra đúng kế hoạch ngày 28/4/2003 với sự tham dự của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, chuyên gia từ WHO và rất đông phóng viên nước ngoài.

Bà Trung Chiến tâm sự rằng mỗi khi nghe đến dịch bệnh, dù xảy ra ở trong hay ngoài đất nước, dù không phải SARS mà hiện tại là Covid-19, bà lại nhớ về những y, bác sĩ đã ra đi. Ảnh: Duy Anh.

Với bà Chiến, 45 ngày chống SARS là trận chiến không tiếng súng, không biết mặt kẻ thù. Chỉ có những “chiến sĩ” khoác áo Blouse trắng âm thầm chiến đấu, lặng lẽ hy sinh mà không phải ai cũng dũng cảm làm được điều đó.

“Tôi thương nhân viên y tế vô cùng. Trong những trận dịch nguy hiểm, người ta thấy bệnh thì cố chạy thật xa. Chỉ có nhân viên y tế là người gánh trọng trách xông vào mặt trận, dù biết mình có thể gặp nguy hiểm. Cứu người là điều mà thầy thuốc luôn đặt lên hàng đầu”.

Bà Trung Chiến tâm sự mỗi khi nghe đến dịch bệnh, dù xảy ra ở trong hay ngoài nước, dù không phải SARS mà hiện tại là Covid-19, bà lại nhớ về những y, bác sĩ dũng cảm.

Theo nguyên Bộ trưởng, so với thời gian ủ bệnh của SARS (khoảng 5-6 ngày), Covid-19 có thời gian ủ bệnh lâu hơn (14 ngày) nhưng lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong thấp hơn SARS.

Hiện tại, nước ta có kinh nghiệm chống dịch SARS, cũng như điều kiện cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của ngành y tế, hệ thống thông tin truyền thông tốt hơn. Đặc biệt, sự chỉ đạo, sáng tạo của ngành y tế, sự hợp tác của nhân dân và cộng đồng quốc tế, bà tin tưởng rằng dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, Việt Nam sẽ kiểm soát tốt tình hình.

Khi được hỏi về dịch Covid-19 tại Việt Nam liệu bao giờ sẽ kết thúc, nguyên Bộ trưởng Y tế khẳng định: “Chúng ta chỉ có thể đẩy lùi được dịch bệnh khi có sự chung tay, góp sức của toàn dân và Chính phủ. SARS giờ đây chỉ còn là ký ức và Covid-19 cũng sẽ như thế. Việt Nam nhất định vượt qua dịch bệnh này”.

Nguồn Zing News

Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (8428) 6280 3333. Máy nhánh 0 để gặp tổng đài viên.

Website: www.cih.com.vn.

Facebook: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity/