Trong 3 tháng cuối thai kỳ, một trong những điều bố mẹ quan tâm là chọn lựa phương pháp “sinh thường hay sinh mổ” và những ưu điểm của 2 phương pháp này.

Ngày nay, tỷ lệ sinh mổ đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng ở các nước đang phát triển và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngoài lý do bắt buộc là mẹ bầu được chỉ định phải “mổ bắt con”, đã có nhiều trường hợp sản phụ và gia đình chủ động lựa chọn sinh mổ với quan niệm mong muốn trẻ sinh ra vào giờ đẹp, trẻ không phải đi qua cửa âm đạo nên thường sạch sẽ, sau này sẽ nhanh nhạy, thông minh hơn, thành đạt hơn đẻ thường. Vì vậy, sinh mổ hiện là một phương pháp được nhiều người tin là cực kỳ an toàn và mẹ không phải trải qua quá trình chuyển dạ đau đớn… Tuy nhiên, việc sinh thường có rất nhiều ưu điểm và cũng được rất nhiều mẹ bầu chọn lựa. Vậy nên chọn phương pháp sinh nào: sinh thường hay sinh mổ?

Cùng nghe ý kiến của ThS.BS. Trần Thị Kim Xuyến – Trưởng Khoa Phụ Sản Bệnh viện Quốc tế City.

ThS.BS. Trần Thị Kim Xuyến cho biết, rất nhiều mẹ bầu đắn đo không biết nên sinh thường hay sinh mổ, cái nào tốt. Với phương pháp nào cũng sẽ có những lợi ích khác nhau và tùy vào sức khỏe của mẹ và bé mà bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên, chỉ định nên sinh thường hay sinh mổ. Tuy nhiên, bác sĩ Xuyến cũng chỉ ra những lợi ích đặc biệt giữa sinh thường và sinh mổ.

Sức khỏe cho mẹ bầu: sinh thường và sinh mổ

Tùy sức khỏe của người mẹ và tư vấn của bác sĩ, gia đình có thể chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ. Ảnh CIH (03/2019)

Lợi ích giữa sinh thường và sinh mổ

Ưu điểm của sinh thường

  • Sức khỏe mẹ bầu nhanh hồi phục sau sinh.
  • Thời gian lưu viện ngắn, chỉ 1 đến 2 ngày.
  • Tiết kiệm chi phí hơn so với sinh mổ.
  • Gia đình không quá bận rộn để chăm sóc cho mẹ vì chỉ vài tiếng sau khi sinh thường, mẹ có thể phần nào tự lo được cho mình.
  • Tiếp xúc sớm với em bé, vì thế tình cảm mẹ con gần gũi nhanh hơn so với sinh mổ.

Điều kiện để sinh thường

  • Người mẹ cần có đủ sức khỏe trong suốt thời gian chuyển dạ kéo dài từ 12 tiếng – 24 tiếng. Các cơn gò chuyển dạ giúp cổ tử cung mở dần.
  • Người mẹ cần đủ sức rặn tống xuất thai nhi ra ngoài.
  • Diễn tiến sinh con rạ thường sẽ dễ và nhanh hơn con so. Tuy nhiên cũng còn tùy thuộc cơ địa và sức khỏe của mẹ mà quá trình vượt cạn giữa con so, con rạ sẽ khác nhau. Đôi khi sinh con so lại dễ hơn con rạ và ngược lại.
  • Trường hợp cơn gò thưa bác sĩ sẽ cho thuốc giục sanh tạo cơn gò, thúc đẩy tạo cơn gò nếu sản phụ rặn yếu.

Sức khỏe cho mẹ bầu: sinh thường và sinh mổ

Làm sao để biết sinh thường hay sinh mổ?

Ưu điểm của Sinh mổ

  • Chủ động được thời gian sinh.
  • Không bị mất sức trong suốt quá trình rặn.
  • Với những mẹ bầu gặp bất thường trong thai kỳ thì sinh mổ là biện pháp tối ưu giúp bảo đảm an toàn cho mẹ và bé.

Khi nào bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ?

  • Mất sức đầu chậu do thai quá to hoặc khung chậu mẹ quá hẹp.
  • Đa thai, bất thường về bánh nhau hay chỉ định vết có sẹo mổ lấy thai cũ. Vì phải đối mặt với việc vỡ tử cung sau khi chuyển dạ sinh thường.
  • Ngôi thai bất thường: ngôi ngang, ngôi ngược.
  • Sức khỏe người mẹ không đảm bảo: tiền sản giật, tăng huyết áp…
  • Suy thai cấp do bé không thể ở lâu trong bụng mẹ được.

Những mặt hạn chế khi chọn phương pháp sinh mổ

  • Mẹ mất nhiều máu hơn sinh thường và chậm hồi phục sau sinh.
  • Ăn uống chưa được thoải mái sau 1 tuần đầu sau sinh như sinh thường nên có thể ảnh hưởng đến sự phân tiết bình thường của tuyến sữa.
  • Có thể vỡ tử cung gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người mẹ và trẻ trong những lần mang thai sau, nhất là những trường hợp mang thai sau con to.
  • Như vậy, sinh thường hay sinh mổ tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ. Tùy thuộc vào sức khỏe người mẹ trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu sức khỏe của mẹ tốt thì người mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn cách rặn sinh thường. Và có phương pháp giúp người mẹ đỡ đau khi chuyển dạ là: phương pháp gây tê ngoài màng cứng.

Sức khỏe cho mẹ bầu: sinh thường và sinh mổ

Chương trình tiền sản "Sinh thường hay sinh mổ" tổ chức ngày 16/09/2018

Những lưu ý cho mẹ bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ

Bác sĩ Xuyến lưu ý, khi mẹ đến tháng thứ 7 của thai kỳ, tức khoảng 28 tuần, mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đi sinh. Tìm hiểu những thông tin về dấu hiệu sinh non. Nếu có dấu hiệu đau chằn bụng, ra huyết cần đến gặp bác sĩ ngay để theo dõi.

Giai đoạn này mẹ bầu cần được khảo sát thông qua xét nghiệm kiểm tra tiểu đường thai kỳ để có chế độ dinh dưỡng phù hợp hơn.

Bước sang tháng thứ 8 thai kỳ, tuần thứ 32, mẹ cần tham gia các lớp học yoga bầu để học cách rặn, làm sao để quá trình chuyển dạ an toàn, khỏe mạnh.

Sang tháng cuối cùng của thai kỳ, mẹ bầu cần chú ý sức khỏe, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc đảm bảo sức khỏe tốt chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ.

Dấu hiệu của chuyển dạ: bụng đau từng cơn, ra nhớt hồng, vỡ ối…. cần đưa sản phụ đến ngay bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và theo dõi quá trình chuyển dạ sinh.

Ngoài những lo lắng về sinh thường và sinh mổ, mẹ bầu cần cập nhật nhiều thông tin y khoa mẹ bầu có thể tham khảo:

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Bệnh viện Quốc tế City

Địa chỉ: Số 3, đường 17A, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM.

ĐT: (028) 6280 3333, máy nhánh 0 gặp tổng đài viên.

Website: www.cih.com.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity