Sinh bé đầu nên sinh thường hay sinh mổ

2 năm 10 tháng trước #1667 bởi admin
Với những bạn lần đầu tiên mang thai, sẽ rất quan tâm đến vấn đề nên sinh thường hay sinh mổ và lợi ích của sinh mổ và sinh thường.

“Sinh thường hay sinh mổ” có lẽ là câu hỏi được nhiều thai phụ quan tâm, nhất là với những mẹ bầu ở giai đoạn cuối thai kỳ. Theo thống kê, có đến 75% thai phụ lựa chọn sinh thường bởi những lợi ích mang lại cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng có thể sinh thường. Với những thai phụ gặp bệnh lý không thể sinh thường thì cần tuân thủ theo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo con yêu chào đời mẹ khỏe, bé khỏe.

Sinh Thường Là Gì?

Sinh thường là hành trình thai nhi được đưa ra ngoài theo ống sinh sản của người mẹ. Chỉ định sinh thường sẽ được thực hiện khi sản phụ đáp ứng được các tiêu chí như:
  • Mẹ sức khỏe tốt, đủ sức để rặn.
  • Không có bất kỳ bất thường nào về sức khỏe, sinh sản.
  • Thai nhi đủ sức khỏe để vượt qua ống sinh sản: không bị sa dây rốn, không suy thai.
Ưu & Nhược Điểm Của Sinh Thường

Phương pháp sinh thường vẫn có rất nhiều ưu điểm với cả mẹ và bé. Các chuyên gia sản khoa cũng luôn khuyên các thai phụ nếu có thai kỳ khỏe mạnh bình thường thì nên thuận theo tự nhiên và chọn phương pháp sanh thường. Chỉ trong trường hợp người mẹ không thể sinh thường được thì mới lựa chọn sinh mổ.

Tập tin đính kèm:
Hạnh phúc khi chào đón con yêu chào đời. Ảnh CIH.

Ưu điểm của sinh thường

Lợi ích dành cho mẹ
  • Người mẹ không mất quá nhiều thời gian hậu sản ở bệnh viện.
  • Mẹ không bị đau nhiều sau khi sinh. Sức khỏe phục hồi nhanh và có thời gian chăm sóc bé và chăm sóc bản thân.
  • Mẹ sẽ giảm được nguy cơ bị bệnh viêm nội mạc tử cung do sản dịch thoát tốt hơn.
  • Người mẹ nhanh có sữa cho bé bú.
  • Người mẹ có thể chủ động có thai lại lần 2 sớm hơn.
  • Mẹ không bị các dị ứng từ thuốc gây mê, gây tê của ca phẫu thuật, kháng sinh.
Lợi ích dành cho bé
  • Bé sẽ có sức đề kháng và hệ miễn dịch tốt hơn nhờ các vi khuẩn có lợi trong ống sinh sản.
  • Bé được da kề da với mẹ sớm hơn. Sớm được bú sữa mẹ. Vì vậy, bé dễ dàng kết nối với mẹ hơn và đặc biệt trí não phát triển tốt hơn.
  • Bé giảm nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp. Bởi trong quá trình sinh thường, thành âm đạo hẹp, co bóp lồng ngực của bé, giúp tống xuất dịch trong phổi, bé giảm viêm phổi sau sinh.
Nhược điểm của sinh thường
  • Mẹ phải chịu cơn đau chuyển dạ.
  • Sinh thường có thể gây ra một số ảnh hưởng đến vùng sàn chậu, khiến mẹ mắc phải chứng đi tiểu không tự chủ sau sinh.
Tập tin đính kèm:
Cặp song sinh nhà Nhạc sĩ Dương Khắc Linh, ca sĩ Sara Lưu. Bé sinh tại Bệnh viện Quốc tế City. Ảnh Facebook DKL

Khi nào bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ?

Chỉ định sinh mổ chủ động trong trường hợp
  • Người mẹ có khung chậu bất thường.
  • Đường ra của thai bị cản trở như: nhau tiền đạo, u tiền đạo...
  • Tử cung của mẹ có sẹo xấu ở lần sinh mổ trước.
  • Sức khỏe người mẹ không bảo đảm. Ví dụ như: tiền sản giật nặng/sản giật.
  • Triệu chứng suy thai cấp, khiến đứa bé không thể ở lâu trong bụng mẹ được.
  • Ngôi thai bất thường như: mông, ngang, đa thai.
  • Thai to
Chỉ định sinh mổ cấp cứu khi
  • Chuyển dạ sinh thường kéo dài, bé có nguy cơ ngạt.
  • Có dấu hiệu suy thai.
  • Chèn ép rốn, dây rốn quấn cổ, sa dây rốn.
  • Nhau bong non, cơn co cường tính.
  • Đầu thai không lọt.
  • Nước ối lẫn nhiều phân su.
Ưu và nhược điểm của sinh mổ

Ưu điểm của sinh mổ
  • Mổ như một phương pháp cứu cánh có thể cứu được mạng sống của cả sản phụ và thai nhi khi không thể sanh thường.
  • Mẹ sẽ không phải chịu cơn đau chuyển dạ, không bị mất sức trong suốt quá trình rặn.
  • Có thể sinh đúng như kế hoạch đã định trước, vì vây chủ động về thời gian và sẵn sàng tâm lý tốt hơn.
  • Sinh mổ giúp em bé chào đời một cách an toàn mà không lo bị thương, đặc biệt trong trường hợp thai nhi có kích thước lớn.
Nhược điểm của sinh mổ
  • Người mẹ mất nhiều máu hơn đẻ thường, dẫn đến chậm phục hồi sau sinh.
  • Người mẹ ăn uống không thoải mái (trong tuần đầu sau sinh) nên sự điều tiết, ảnh hưởng đến sự phân tiết bình thường của tuyến sữa.
  • Nếu những lần mang thai sau gần nhau, sản phụ có nguy cơ vỡ tử cung, gây nguy hiểm trực tiếp đến mẹ và bé.
  • Hệ miễn dịch hoàn thiện chậm hơn so với sinh thường.
  • Trẻ sinh mổ dễ mắc bệnh hơn trẻ sinh thường, đặc biệt là hen suyễn, bệnh về hô hấp, bệnh về đường tiêu hóa và dị ứng.
Tập tin đính kèm:
Gia đình nhạc sĩ Dương Khắc Linh trong ngày xuất viện

Kiểm soát cơn đau khi chuyển dạ

Bác sĩ Lục Chánh Trí, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Quốc tế City cho biết chuyển dạ là quá trình giúp thai nhi và nhau được đưa ra khỏi buồng tử cung qua ngã âm đạo. Các dấu hiệu báo chuyển dạ gồm đau bụng do gò tử cung từng cơn, đều đặn, tăng dần, trung bình 3 cơn gò trong 10 phút, ra dịch nhầy hồng ở âm đạo, ra nước ối.

Nguyên nhân gây đau ở giai đoạn sớm do cơn gò tử cung, căng giãn cổ tử cung. Sau đó đau là do căng giãn âm đạo, vùng tầng sinh môn và âm vật, rách mô mềm vùng âm đạo, tầng sinh môn.
Bác sĩ Trí hướng dẫn một số phương pháp giúp kiểm soát đau không dùng thuốc:
- Thư giãn bằng cách không tập trung vào cơn đau, nói chuyện với người nhà, thì thầm với bé, nghĩ đến những chuyện vui sẽ đến khi bé chào đời.
- Hít thở: hít mũi - thở miệng hay hít miệng - thở miệng, hít sâu - thở chậm.
- Thay đổi tư thế: đi lòng vòng, vung vẩy, nếu bị hạn chế trên giường sinh nên cử động tay, chân, nằm nghiêng, ngồi.
- Xoa bóp.
- Nước ấm giúp giảm đau giai đoạn sớm. Chưa có bằng chứng khoa học về hiệu quả và tính an toàn của việc sinh con dưới nước.

Hy vọng, với những thông tin trên sẽ giúp bố mẹ có cái nhìn tổng quan về những lợi ích giữa  sinh thường và sinh mổ , từ đó có lựa chọn phương pháp sinh phù hợp.

ĐĂNG KÍ THAM QUAN hoặc TƯ VẤN GÓI THAI SẢN qua Hotline: 0963255134
Bệnh viện Quốc tế City
Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM. (Cạnh siêu thị Aeon Mall Bình Tân).
ĐT: (028) 6280 3333. Máy nhánh 0 gặp tổng đài viên.
Website:  www.cih.com.vn  
Fanpage:  https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity

Vui lòng Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản để tham gia cuộc hội thoại.