Thứ bảy, 08/09/2018 |

Bé Nguyễn.G.B, 11 tuổi ở quận 6, TP.HCM, nặng 28 ký, phát hiện có khối u gan cách đây 6 tháng vừa được ekip bác sĩ phẫu thuật Bệnh viện Quốc tế City mổ cắt khối u gan 10 centimet sáng ngày 5/9/2018. Sau 2 giờ 10 phút phẫu thuật, ca mổ đã thành công tốt đẹp.

Đặc biệt đây là trường hợp mổ với điều kiện ngặt nghèo của người nhà bệnh nhân, đó là “không truyền máu của người khác, kể cả máu của thân nhân bệnh nhân” trong quá trình phẫu thuật. Bác sĩ chỉ được dùng máu của bé và hoàn trả lại cho bé qua hệ thống máy truyền máu hoàn hồi (Cell Saver) của bệnh viện.

Hội chẩn và ra quyết định

Một cuộc hội chẩn quan trọng đã diễn ra ngày 31/8/2018 với sự tham dự của gia đình bệnh nhân, bé Nguyễn.G.B cùng các bác sĩ giỏi của Bệnh viện như PGS. Ts. Bs Nguyễn Tấn Cường, PGS. Ts.Bs Trần Quang Bính, Ths.Bs Đào Thị Mỹ Vân, Ths.Bs Lục Chánh Trí, Bs CKI Trần Thị Mỹ Loan, Ths.Bs Hà Thị Thanh Tuyền, Bs Nguyễn Bảo Xuân Thanh cùng các cán bộ y tế, điều dưỡng liên quan. Trước yêu cầu của người nhà bệnh nhân chỉ đồng ý phẫu thuật khi bệnh viện không truyền máu của người khác cho bệnh nhân trong quá trình mổ. Ban đầu, các bác sĩ của bệnh viện có chút ngần ngại nhưng sau khi chẩn đoán kỹ lưỡng, làm các xét nghiệm cận lâm sàng chặt chẽ và Hội đồng Khoa học kỹ thuật của Bệnh viện Quốc tế City đã quyết định phẫu thuật cho bé.

Được biết, trước phẫu thuật, bệnh nhân được các bác sĩ cho uống thuốc để kích hồng cầu phát triển. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền các dịch truyền thay thế máu để bảo đảm sức khỏe suốt quá trình mổ. Để bảo đảm sức khỏe của bé, bệnh viện chủ động sử dụng máy Truyền Máu Hoàn Hồi (Cell Saver) là phương pháp dùng chính máu của người bệnh truyền qua một thiết bị là máy CELL - SAVER rồi truyền trả lại cho bệnh nhân. Phương pháp này đặc biệt hữu ích vì có thể hoàn hồi đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể, hạn chế tối đa nhu cầu truyền máu, tránh được những biến chứng nguy hiểm của phương cách truyền máu đồng nhóm cổ điển, giúp giảm áp lực thiếu máu cho bệnh viện cũng như cho ngành y nói chung.

Hội chẩn ngày 31/8/2018 tại Bệnh viện Quốc tế City.

Theo PGS. TS. BS. Nguyễn Tấn Cường: “Bệnh nhân đã được gia đình đưa đi nhiều bệnh viện lớn để cứu chữa nhưng các bệnh viện đều từ chối vì điều kiện phẫu thuật không truyền máu. Đọc kết quả siêu âm và CT của bệnh nhân, trước khi vào viện và so sánh với kết quả chụp CT hiện tại, thì khối u đã tăng từ 7 lên 10 centimet. Bệnh viện đã hội chẩn, giải thích cặn kẽ cho gia đình, bệnh nhân. Trước yêu cầu khẩn thiết của gia đình bệnh nhân, và với lương tâm của người thầy thuốc, chúng tôi dốc hết tâm sức và chuyên môn của mình để cứu chữa, phẫu thuật cắt u gan cho bệnh nhi”.

Chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc phẫu thuật

Sáng ngày 5/9, trong khi mọi trẻ em trên đất nước đang vui vẻ chào đón năm học mới thì bé Nguyễn. G.B lại phải trải qua một cuộc mổ lớn cắt u gan. Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Tấn Cường trải lòng: “Ánh mắt bệnh nhi cứ đeo đuổi tôi mãi, sau nhiều đêm trăn trở trước tình thế khó khăn, tôi quyết định nhận lấy trọng trách này để cứu bé B. Trong khi mổ, chúng tôi đã hạ huyết áp của bé xuống để cắt gan ít bị chảy máu. Chúng tôi sử dụng máy Truyền Máu Hoàn Hồi, hút máu em bé ra, sau khi lọc, bơm trả lại cho cơ thể em bé. Chúng tôi nghiên cứu kỹ phim chụp CT scan bụng, có những mạch máu bất thường, tiên lượng trong cuộc mổ dễ chảy máu, lượng máu có thể sẽ mất nhiều. Do đó, phẫu thuật viên đã phẫu thuật hết sức cẩn thận. Phẫu tích tỉ mĩ từng tí một, cầm máu cẩn thận, khống chế các mạch máu lớn nuôi khối u gan. Sau 2h.10 phút, bác sĩ đã cắt bỏ được phần gan có chứa khối u và cắt túi mật. Phần gan cắt bỏ chiếm khoảng 15% thể tích gan. Đối với trẻ em ở lứa tuổi này, gan sẽ tăng sinh phục hồi nhanh để bù lại phần gan đã cắt. Trong suốt cuộc mổ, lượng máu mất khoảng 200 ml. Sau đó bệnh viện đã dùng máy truyền máu hoàn hồi để thu hồi máu, lọc và truyền lại cho bệnh nhi”.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhi Nguyễn.G.B sáng ngày 5/9 tại Bệnh viện Quốc tế City.

Cuộc phẫu thuật thành công vì bệnh viện đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu giải phẫu bất thường của mạch máu, tận dụng tất cả các phương tiện máy móc tốt nhất của bệnh viện. Điển hình như trong khâu gây mê, ekip đã cho thuốc giảm đau ngoài màng cứng để sau khi hồi tỉnh, em bé sẽ ít đau, phục hồi sớm. Khi tới giai đoạn cắt gan, ekip bác sĩ gây mê chủ động cho huyết áp giảm xuống nên lượng máu chảy ít. (khoảng 200ml).

Niềm vui thành công cứu người của bác sĩ và gia đình bệnh nhân

Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp. Tất cả ekip thở phào, sung sướng. Ekip bác sĩ của Bệnh viện đã thực hiện đúng y đức của người thầy thuốc: tận dụng hết khả năng trí tuệ để cứu giúp bệnh nhân.

Bác sĩ Cường giải thích thêm: “Nếu Bệnh viện Quốc tế City từ chối phẫu thuật thì có lẽ sẽ rất ít Cơ sở y tế nào ở Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu của gia đình bệnh nhân. Vì như bạn thấy, bệnh nhân có bệnh cảnh hiểm nghèo: khối u gan to nhiều mạch máu nuôi, ở một trẻ em, và lại có điều kiện là không cho truyền máu trong phẫu thuật”.

Đại diện gia đình bé Nguyễn.G.B vô cùng cảm kích và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Bệnh viện, mẹ của bé nói: “Chúng tôi thật may mắn khi tìm đến Bệnh viện Quốc tế City, đội ngũ bác sĩ cho tới điều dưỡng đều chăm sóc, giải thích cặn kẽ chân thành tạo cho chúng tôi niềm tin sâu sắc. Bé B con chúng tôi đã trải qua một kỳ phẫu thuật lớn thành công. Chúng tôi vô cùng biết ơn bác sĩ Cường và toàn bộ ekip mổ, cũng như bệnh viện đã giành giật sự sống từ bàn tay tử thần cho bé B”.

Sau 34 năm trong nghề bác sĩ phẫu thuật Gan- Mật Tụy, đây là ca đầu tiên bác sĩ Nguyễn Tấn Cường phẫu thuật cắt gan cho bệnh nhân thuộc tôn giáo Nhân chứng Giê-hô-va. Bác sĩ chia sẻ rằng: “Những trường hợp này thường gây khó khăn, sóng gió cho các Cơ sở y tế, đáp ứng yêu cầu ngặt nghèo của bệnh nhân. Ví dụ, nếu phẫu thuật gặp chấn thương vỡ gan, vỡ lách, nếu không cho truyền máu thì không thể có dịch truyền nào thay thế máu được và gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Hơn hết, chúng ta cũng đã đáp ứng được yêu cầu của gia đình, niềm tin tôn giáo của họ, bệnh viện đã tận dụng hết khả năng chuyên môn để cứu bé Nguyễn. G.B”.

Khối u gan đã được phẫu thuật từ bệnh nhi Nguyễn.G.B.

Trong phẫu thuật, dù chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu, các tai biến ngoài ý muốn vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu như Bệnh viện Quốc tế City không nhận phẫu thuật cho bé, khối u sẽ phát triển ngày càng lớn và có nguy cơ vỡ ra gây đột tử nếu không cấp cứu kịp thời. Khối u gan phát triển rất nhanh, nếu chúng ta không can thiệp thì thời gian sống còn của bé chỉ tiên đoán vài tháng. Tính trung bình cứ 100 trẻ có khối u gan ác tính thì 30% trẻ sẽ sống kéo dài 3-5 năm. Bệnh nhân sau phẫu thuật nên tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ để có những điều trị, can thiệp kịp thời nếu khối u tái phát.

Được biết, từ tháng 2/2018 đến nay, gia đình bé Nguyễn.G.B đã từng đưa bé đi nhiều bệnh viện lớn để mong cứu chữa, nhưng vì yêu cầu của người nhà không cho truyền máu trong quá trình phẫu thuật nên các bệnh viện đều từ chối điều trị.

Ekip Bác sĩ mổ và điều trị chúc mừng Bé B hồi phục tốt.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Quốc tế City

Số 3, đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM.

ĐT: (8428) 6280 3333 (Máy nhánh 8242) để gặp nhân viên tư vấn.

Website: www.cih.com.vn.

Fanpage: https://www.facebook.com/BenhVienQuocTeCity