Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh viêm đại tràng khá cao, cứ ba người thì có một người gặp vấn đề về đại tràng. Hầu hết bệnh nhân thường không lường được sự nguy hiểm của căn bệnh này. Họ có xu hướng xem nhẹ các triệu chứng bệnh hoặc điều trị qua loa, dẫn đến việc bệnh tình chuyển biến nặng. Tệ hơn nữa là các biến chứng như: Giãn đại tràng cấp tính, thủng đại tràng, ung thư đại tràng và đi đến tử vong.

Thời gian vừa qua tại Bệnh viện Quốc tế City, PGS. TS. BS Nguyễn Tấn Cường, chuyên khoa Ngoại tổng quát tại Bệnh viện Quốc tế City đã tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng nặng của viêm đại tràng. Trong đó, một ca điển hình là của chị Huỳnh Thị H.L, 44 tuổi. Suốt khoảng thời gian đầu, căn bệnh viêm loét đại tràng hoành hành khiến thể trạng chị Huỳnh Thị H.L hoàn toàn đi xuống. Chị sụt cân nghiêm trọng, liên tục tiêu ra máu kèm theo đau đầu và choáng váng. Sau những lần tiến hành điều trị nhưng không thuyên giảm, chị L thật sự suy sụp. Bệnh viện Quốc tế City là hy vọng lớn nhất của chị để thoát khỏi căn bệnh viêm loét đại tràng này. May mắn thay, đội ngũ các bác sĩ và điều dưỡng tại Bệnh viện Quốc tế City đã thật sự làm được điều đó. Đến nay, chị L đã được điều trị dứt điểm, không còn các triệu chứng như ngày trước nữa.

Chị L cho biết: “Ngày trước tôi không hề nhận thấy một dấu hiệu hay một triệu chứng gì cụ thể cả, chỉ là đôi khi bên phải bụng bị nhói nhẹ, đi tiêu phân có kèm theo ít máu và kinh nguyệt không đều thôi. Tôi tiến hành khám phụ khoa nhưng họ không phát hiện điểm gì bất thường, trong khi đi tiêu vẫn ra máu, tôi buộc phải nhập viện. Trải qua nhiều quá trình xét nghiệm và điều trị, bệnh tình chẳng những không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm. Bệnh viện tuyến trung ương TP.HCM cho biết là toàn bộ đại tràng của tôi đã viêm loét rất nặng, nhưng vì lá gan có vấn đề, không thể tiến hành truyền thuốc được. Lúc này, sức khỏe tôi kiệt quệ và tinh thần tôi suy sụp nặng nề. Tôi thương con, thương chồng, thương gia đình của mình, thậm chí tôi còn chuẩn bị tâm lý và lo hậu sự”.

Tối ngày 10/5, chị L một lần nữa trong  tình trạng tiêu ra máu liên tục, phân đó tươi kèm theo choáng váng đã nhập viện tại Bệnh viện Quốc tế City. Tại đây, chị được chẩn đoán là phình đại tràng nhiễm độc và viêm loét đại tràng xuất huyết mức độ nặng.Suốt một tuần  điều trị nội khoa tại Bệnh viện Quốc tế city thông qua tiêm thuốc, truyền dịch, thụt tháo đại tràng, chị L vẫn còn tiêu ra máu. Vào ngày 18/05, sau cuộc hội chẩn toàn bệnh viện, BS Nguyễn Tấn Cường đã quyết định mổ nội soi cho chị L.

Ca phẫu thuật không hề đơn giản khi phần lớn đại tràng và ruột non của bệnh nhân bị trướng hơi khiến phẫu trường hẹp, không thể quan sát ổ bụng được. Do đó, bác sĩ phẫu thuật phải thực hiện mở manh tràng, đưa ống hút vào hút xẹp đại tràng và ruột non, phát hiện thành đại tràng có nhiều đoạn úa màu, chạm vào dễ thủng (có thủng 2 chỗ ở đại tràng trái cần phải khâu lại). bác sĩ phẫu thuật tiến hành đưa toàn bộ đại tràng và hồi tràng ra ngoài ổ bụng, sau đó nhờ bác sĩ  nội soi đại tràng từ dưới hậu môn lên. Phát hiện khoảng 10cm đoạn ống hậu môn và trực tràng dưới có niêm mạc bị viêm dầy, có vài chỗ loét, nhưng không chảy máu. Từ 10cm trực tràng trở lên đến cách manh tràng khoảng 5cm, niêm mạc ruột bị lở loét, nhiều chỗ tróc niêm mạc và nhiều ổ máu đọng. Có chỗ loét ở đại tràng góc gan đang chảy máu đỏ, nhiều chỗ thành ruột bị mỏng có nguy cơ thủng rất cao. Trong tình thế này, bác sĩ Cường đã quyết định cắt 10 cm hồi tràng và toàn bộ đại tràng cùng phần trên trực tràng đến 10cm cách rìa hậu môn, đưa hồi tràng ra da ở hố chậu trái.

Ngày 29/05, chị L xuất viện với tình trạng sức khỏe đã được cải thiện, không còn tình trạng tiêu ra máu liên tục. Ngày 08/06, hậu phẫu ba tuần, cân nặng của chị là 56,3kg. Ăn uống ngon miệng, ăn nhiều, vết mổ lành tốt tuy nhiên vẫn còn ngủ ít và nước tiểu đục. Ngày 16/06, hậu phẫu bốn tuần, chị L đã không còn tiểu đục. Hậu phẫu 5 tuần, cân nặng 58kg, ăn nhiều, ngủ ngon, vết mổ lành tốt. Ngày 21/08, chị L tái nhập viện để đóng hậu môn nhân tạo, tiến hành nối hồi tràng và trực tràng. Một tuần sau, chị xuất viện khỏe mạnh và không còn những triệu chứng bất thường xảy ra nữa.

“Thời gian nhập viện tại Bệnh viện Quốc tế City, thể trạng của tôi mới dần được cải thiện. Đặc biệt là sau lần phẫu thuật thứ nhất, không còn tình trạng tiêu ra máu liên tục cũng như đau bụng quằn quại nữa. Tôi được chỉ định phải tăng 10kg để đủ sức khỏe cho lần phẫu thuật thứ hai. Và thật sự tôi ăn rất được, thường xuyên cảm thấy đói, có thể là hệ tiêu hóa đã được cải thiện. 03 tháng sau tôi tiến hành nối lại hậu môn thật và hoàn toàn khỏi bệnh, khỏe mạnh đến nay. Tưởng chừng như chỉ có thể là phép màu, tôi cũng như gia đình mình rất hạnh phúc khi được thoát khỏi căn bệnh quái ác mà tôi từng nghĩ rằng sẽ không thể qua khỏi”,  chị L vui mừng cho biết.

Theo chị L: “So với các trung tâm y tế khác mà tôi đã đến, Bệnh viện Quốc tế City tốt hơn rất nhiều. Các điều dưỡng rất thân thiện, tận tình đến từng li từng tí. Các bác sĩ thì ân cần, tận tâm, luôn theo dõi sát sao diễn biến sức khỏe của tôi. Còn cơ sở vật chất và trang thiết bị thì phải nói là rất hiện đại, quá trình sinh hoạt của tôi rất thoải mái, ngay cả người thân tôi cũng cảm thấy như vậy”.

Theo các chuyên gia về nội tiêu hóa tại Bệnh viện Quốc tế City: “Để hạn chế viêm đại tràng, ta cần có một chế độ ăn uống đúng giờ giấc, hợp vệ sinh và đầy đủ chất dinh dưỡng. Không nên bỏ bữa, tránh ăn các thức ăn lâu ngày hoặc ôi thiu. Bên cạnh đó, nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe cũng và sức đề kháng. Không nên xem thường các vấn đề về hệ tiêu hóa như: Tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng thường xuyên, tiêu ra máu… Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy, thuốc nhuận tràng hoặc kháng sinh. Nên tiến hành thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nếu gặp phải các triệu chứng trên để phòng tránh bệnh tình lâu ngày chuyển biến nặng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm”.